1. Truyện
  2. Tâm Ma
  3. Chương 25
Tâm Ma

Chương 25: Đánh rơi mặt nạ

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Trước đây, Thích Tâm vốn tự do tự tại, hành sự không vướng bận gì, nhưng từ ngày đưa Trần Thiếu về chữa trị, ông luôn mang trong mình một nỗi lo mơ hồ. Thích Tâm đắn đo một hồi, lên đỉnh Tiên Nhân báo tin là việc của bản phái, đáng ra lão ông phải đích thân thực hiện, nhưng ngặt nỗi không thể đưa Trần Thiếu đi cùng. Ông quay sang nói với Trần Gia:

- Ta có việc muốn cầu người, đáng lẽ việc này ta phải tự làm, nhưng nay không thể rời khỏi nơi đây, mong người giúp cho.

Trần Gia đáp:

- Ngươi đừng ngại, ơn của ông ta khó có thể đền đáp, quyết không từ nan.

Thích Tâm suy tính một lúc, ông lấy một bức thư đã viết sẵn trong áo ra đưa cho Trần Gia. Bức thư gấp vuông vắn, dán niêm phong cẩn thận, bên trên có đóng dấu đỏ hình mặt trăng khuyết lồng với hình tròn. Ông đưa cho Trần Gia lá thư kèm với miếng kim bài, dặn dò:

- Người tìm đến căn miếu nhỏ dưới chân ngọn Tiên Nhân, đưa miếng kim bài này ra nói là chuyển tin giúp Thích Tâm, ắt sẽ có người đưa đi. Tuyệt đối không được đưa thư khi chưa lên đỉnh núi.

Việc đã gấp, Trần Gia lại vội vã chuẩn bị hành trang lên đường. Mới về chưa được bao lâu, nay lại phải đi luôn, Trần Gia cảm thấy có chút không yên lòng, nhưng giờ đây, mọi việc đều trong cậy hết vào Thích Tâm, lão càng không thể trù trừ. Sáng hôm sau, Trần Gia chào Trần Thiếu, chỉ kịp xoa đầu nó rồi xuống núi. Lúc lão đi, Thích Tâm dõi theo từng bước đến tận lúc lão đi khuất.

Xuống núi lần này, Trần Gia có phần bình tâm hơn dạo trước. Việc đưa thư vốn không có gì khó khăn nên cũng không đáng lo. Lão tính đi xuôi theo làng dọc sông Mã một đoạn, sau đó đi thẳng hướng bắc xuôi về Trường An (nay thuộc Ninh Bình). Trần Gia vừa đi qua chợ nhỏ, nơi mà dạo trước lão và Trần Thiếu từng bán rau quả sống qua ngày, bỗng từ đâu có bà cụ chạy ra, dúi vào tay lão một túi toàn lê với ổi, bà lão nói:

- Ông ơi, lão có chút trái chín, ông ăn cho mát ruột.

Trần Gia đáp:

- Ta không mua đâu.

Bà lão vẫn dúi vào tay Trần Gia:

- Chút lòng thành của lão, mong ông nhận cho.

Nói xong bà đi luôn, Trần Gia ngơ ngác nhìn theo, không hiểu chuyện gì. Lão nhìn túi hoa quả, có chút ngờ vực, thầm nghĩ: “Chắc bà lão này lẩm cẩm, nhìn nhầm mình với ai chăng?” Tuy vậy, lão cũng không dám ăn, đi một quãng, lão bỏ lại ven đường. Quá trưa, Trần Gia dừng lại quán ven đường. Tiết trời hơi se lạnh, Trần Gia tìm một bàn kín gió ở góc nhà. Quán xá vùng quê vốn tuềnh toàng, nhà tranh vách đất, chủ yếu là người tiếp khách qua đường, người quê thường không có thói ăn hàng quán. Trần Gia vừa ngồi xuống ghế, con bé trông quán đã bê ra một khay trà nóng, hơi trà sen ấm áp thơm dìu dịu. Trần Gia áp tay vào ấm trà, hỏi:

- Quán ăn có những món gì?

Con bé đáp:

- Thưa ông, có cơm, canh, cà, cá.

Con bé chưa nói hết câu, lão chủ quán đã từ đâu chạy ra:

- Thưa ông, quán chúng con tuy quê mùa nhưng cũng có vài món đặc sản, mời ông dùng thử. Chẳng hay ông dùng đồ mặn hay đồ chay?

Trần Gia đáp:

- Đồ mặn. Vậy cũng được. Ngươi làm vừa đủ người ăn thôi.

Bấy lâu nay lão ăn uống kham khổ, nay tự thưởng vài món ăn cũng chẳng hề gì, chốn quê mùa này chắc cũng không đến mức đắt đỏ, Trần Gia nghĩ. Gã chủ quán đáp: “Dạ” rồi lui đi chuẩn bị. Chỉ một loáng sau, mùi đồ ăn xông lên thơm nức mũi, Trần Gia ngửi mà cồn cào. Đồ ăn mang lên, bày biện rất công phu, vừa đẹp vừa thơm, khung cảnh quán xá không xứng tầm với đồ ăn chút nào. Trần Gia nhón đũa gắp chút xôi gà, đồ được sắp xếp cẩn thận nên người ăn cũng trở nên thanh nhã hơn. Gà ròn mà không dai, xôi vừa thơm vừa dẻo, quả thật có thể có thể sánh ngang cao lương mỹ vị. Trần Gia thưởng thức hết các món ăn thì đã no căng, lại một đĩa kẹo lạc và trà mạn được bưng lên, không cầm lòng, lão lại ăn thêm vài chiếc kẹo nhấp với trà. Có lẽ, từ trước tới giờ, kể cả khi ở trang gia, Trần Gia chưa từng được ăn một bữa ngon đến vậy. Nghỉ một lúc, Trần Gia gọi gã chủ quán lên trả tiền. Gã chủ quán nói:

- Thưa ông, con đâu giám lấy tiền của ông, chẳng qua có ít đồ quê nhà nuôi được cùng chút tài mọn xào nấu, mời ông thưởng thức. Chẳng hay có vừa miệng ông?

Trần Gia thấy nghi hoặc: “Ta với lão chẳng quen thân, đồ ăn lại cầu kỳ đến vậy, sao mời không ta được?”, Trần Gia tay nắm chặt nhìn quanh, thầm lo sợ điều gì bất thường, đáp:

- Đồ ngon lắm, từ trước ta chưa từng ăn gì ngon hơn thế.

Gã chủ quán cười tít mắt, nói:

- Tốt rồi tốt rồi, ông có việc xin cứ cất bước, được tiếp đón ông quả là phúc đức của chúng con.

Tự nhiên lại có người đối tốt với lão như vậy, Trần Gia cảm thấy bất an, lão đáp:

- Vậy ta không khách khí.

Nói đoạn, lão nhanh chân bước đi, đi nhanh tránh chuyện phiền phức. Lão bỗng chú ý, trên đường, mọi người đều tránh đường cho lão đi, có chút gì đó kính trọng thân tình. Lão thầm nghĩ: “Từ sáng tới giờ, ta toàn gặp chuyện kỳ quoặc, bỗng nhiên được người khác đối tốt cũng khiến lòng bất an, chẳng hay là điều lành hay dữ”. Trần Gia càng cảm thấy hoang mang hơn, khi đã mất niềm tin vào con người và quen với cái xấu, việc tốt sẽ khiến người ta luôn nghi ngờ. Trần Gia bèn tránh đi đường lớn, lão chọn đường ruộng hay những lối nhỏ ít người qua lại. Đi giữa đồng, gió ngày càng to, thấm lạnh, lão đành tìm đường vào làng, định bụng kiếm ngựa đi lại cho tiện. Vừa đi vào đường lớn dẫn đến chợ, Trần Gia nhác thấy một bóng người quen, quần áo rách rưới, đi lại ngó nghiêng. Vừa thoáng nhìn, Trần Gia đã nhận ra ngay, đúng là oan gia ngõ hẹp, đó là Lão Ba. Lão Ba dường như đã nhận ra Trần Gia, lão bước nhanh lại gần, mặt mày hớn hở. Vừa mới chia tay giờ đã gặp lại, quả thật là có duyên.

Lão Ba khụt khịt mũi, cười hềnh hệch:

- Người anh em, không ngờ gặp lại ngươi ở đây, quả thật ta nhiều duyên nợ, khà khà.

Trần Gia gặp lại người quen giữa chốn xa lạ cũng có chút yên tâm:

- Ha ha, hữu duyên hữu duyên.

Lão Ba nói:

- Bữa này anh em ta phải làm trận ra trò mới được. Mừng cuộc hội ngộ bất ngờ.

Lão vừa nói vừa chỉ tay vào quán rượu ven đường. Trần Gia quả thật muốn tham gia cuộc vui, đối với Lão Ba, Trần Gia đã coi như bằng hữu thực sự, nhưng đành miễn cưỡng từ chối:

- Quả thật ta đang có việc không thể chậm trễ, đành phải hẹn người khi khác.

Lão Ba nhìn vào tấm kim bài Trần Gia đeo ở thắt lưng, nói:

- Ồ Thần Dược tiên Phật phái kim bài, truyện quan trọng vậy ta cũng không phiền nhiễu nữa.

Lão Ba đưa hai ngón tay vào miệng, thổi một tràng sáo ra hiệu, từ xa có người đi ngựa tiến đến, lão Ba nói với Trần Gia:

- Đây là Chính và Chịnh, huynh đệ của ta, việc của ngươi cũng là việc của ta, người anh em này vốn thông thạo đường xá, mong đỡ đần ngươi chút quãng đường xa.

Trần Gia cảm động, chắp tay cảm tạ nói:

- Quả thật là người anh em tốt, ta với ngươi mới gặp mà như đã thân thiết. Mấy ngày nữa ta trở về nhất định phải làm trận ra trò.

Cả cùng ngửa mặt cười ha hả.

Truyện CV